Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Nghịch lý tự quy chiếu (self-referential paradoxes) và siêu ngôn ngữ (metalanguage)

Bức tranh “Russian Ballet” (Vũ ba-lê Nga) của Max Weber cho thấy hội hoạ là một dạng ngôn ngữ có bậc tự do (độ mở, độ “lơi”) rất cao. Ngôn ngữ hội hoạ là một siêu ngôn ngữ của ngôn ngữ thông thường, giúp cho chúng ta nhận thức được sự thật theo những chiều kích sâu hơn, phong phú hơn – những chiều kích mà ngôn ngữ thông thường không thể đạt tới. Tiếng Pháp có câu: “Tout mystère se trouve dans le langage” (Mọi bí mật đều nằm trong ngôn ngữ). Khát vọng khám phá bí mật của tự nhiên xét cho cùng chính là một trò chơi ngôn ngữ – ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt nhận thức trong hành trình khám phá sự thật. Nhưng nhận thức có giới hạn, và do đó ngôn ngữ cũng có giới hạn. Hoặc nói ngược lại, ngôn ngữ bị hạn chế, do đó nhận thức cũng bị hạn chế. Đó chính là tình trạng của vật lý thế kỷ 20 mà Niels Bohr đã phải thốt lên: “Tất cả chúng ta đều bị treo lơ lửng trong ngôn ngữ”. Biết rằng ngôn ngữ và nhận thức có giới hạn đã là khó, nhưng biết rõ đâu là giới hạn của nhận thức còn khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) của Kurt Godel cho thấy giới hạn sẽ xuất đầu lộ diện khi một hệ thống nhận thức muốn nhận thức được chính bản thân nó.

Những lập luận tự nhận thức, tự phán xét, tự đánh giá về chính bản thân mình được gọi là lập luận tự quy chiếu (self-referential statements). Mọi lập luận tự quy chiếu đều chứa đựng mâu thuẫn logic nội tại, do đó sẽ dẫn tới nghịch lý được gọi là nghịch lý tự quy chiếu (self-referential paradoxes) – nghịch lý nẩy sinh khi một hệ thống tự phán xét chính mình.
Đây là nghịch lý nghiêm trọng nhất trong các nghịch lý, vì nó để lộ ra rằng vũ trụ có thể chứa đựng những mâu thuẫn ngay từ trong bản chất của nó.
Câu hỏi đặt ra là: Có thể tránh khỏi nghịch lý tự quy chiếu hay không?
Trả lời: Điều này tuỳ thuộc vào chỗ có tồn tại một siêu ngôn ngữ (metalanguage) đối với tầng nhận thức đó hay không.
Siêu ngôn ngữ là gì? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy tìm hiểu kỹ khái niệm nghịch lý tự quy chiếu.
1* Nghịch lý tự quy chiếu:
Giả sử A là một mệnh đề tự mình nói về mình sau đây:
A = Mệnh đề A sai
Ta thấy ngay rằng A là một mệnh đề tự quy chiếu chứa đựng mâu thuẫn nội tại: Nếu A đúng (mệnh đề vế phải đúng), suy ra A sai (vì mệnh đề vế phải nói như vậy); Ngược lại nếu A sai (mệnh đề vế phải sai), suy ra A đúng (phủ định của mệnh đề vế phải phải đúng).
Thực ra A là một biến tướng của “nghịch lý Cretan” hay “nghịch lý kẻ nói dối”:
“Ta là kẻ nói dối !” (I am a liar !)
Nếu người nói câu đó là kẻ nói dối thì suy ra anh ta đã nói thật; nếu anh ta là kẻ nói thật thì suy ra anh ta là kẻ nói dối. Nghịch lý này do Epimenides, một nhà thơ kiêm triết gia người Cretan (người đảo Crete thuộc Hy Lạp), thế kỷ 7-6 trước công nguyên, tìm ra.
Nghịch lý kẻ nói dối tồn tại trong suốt hơn 2500 năm như một trò chơi logic ngôn ngữ, nhưng đến đầu thế kỷ 20 nó bất ngờ tìm thấy “bạn đồng hành” – “nghịch lý Russell” do Bertrand Russell tìm ra, dẫn tới một cuộc khủng hoảng thực sự trong nền tảng toán học.
Russell vốn nổi tiếng là một nhà hoạt động xã hội có trái tim nồng nàn, từng đoạt Giải Nobel văn chương năm 1950, hai lần bị nhà nước Anh cho vào tù vì những hoạt động chống chiến tranh, trong đó có cuộc chiến Việt – Mỹ, … nhưng nổi tiếng nhất vì những công trình logic toán, đặc biệt vì Nghịch lý Russell – một cảnh báo đối với nhận thức ngây thơ cho rằng Toán học là một hệ logic tuyệt đối phi mâu thuẫn.
Nghịch lý Rusell được phát biểu bằng ngôn ngữ toán học hơi khó hiểu đối với người không chuyên, nhưng đã được phiên dịch sang ngôn ngữ thông thường theo nhiều dị bản khác nhau. Sau đây là một dị bản dễ hiểu:
Trong một thư viện có nhiều loại danh mục, có những danh mục tự liệt kê mình và có những danh mục không tự liệt kê. Để quản lý tốt, vị thủ thư lập ra một danh mục mới với một “tôn chỉ” rõ ràng, đó là:
Danh mục R (Russell) liệt kê tất cả những danh mục không tự liệt kê.
Vị thủ thư băn khoăn tự hỏi:
-Liệu danh mục R có nên tự liệt kê chính nó hay không ?
Nếu có, tức là R tự đặt mình vào trong tập hợp những danh mục tự liệt kê, điều này trái với “tôn chỉ” của chính nó.
Nếu không, tức là nó không tự liệt kê, vậy theo “tôn chỉ”, nó phải nằm trong chính nó, tức là nó tự liệt kê, mâu thuẫn với “tôn chỉ” của chính nó.
Tóm lại, đằng nào cũng mâu thuẫn !
Khám phá của Russell là một đòn trời giáng vào Lý thuyết Tập hợp (théories des ensembles/set theory), bởi lý thuyết này chứa đựng khái niệm tập hợp chứa tập hợp, tập hợp tự chứa nó, đúng như câu chuyện danh mục chứa danh mục, danh mục tự chứa nó ở trên.
Nói cách khác, Lý thuyết Tập hợp không “tinh khiết” (pure) và “chắc chắn” (certain) như ta tưởng. Nó cũng chứa đựng những “hạt sạn” y như bất kỳ một hệ logic nào khác. Tham vọng lấy Lý thuyết Tập hợp làm nền tảng để xây dựng một hệ thống logic tuyệt đối chặt chẽ, phi mâu thuẫn là một tham vọng không tưởng và … ngây thơ, ấu trĩ!
Sự ngây thơ, ấu trĩ này được khởi động từ những nhà toán học …..“lãng mạn nhất”, có tham vọng “vá trời lấp biển kinh thiên động địa nhất”!
Một trong số đó là Gottlob Frege, tác giả bộ sách khổng lồ “Cơ sở Số học”, được ca tụng như “cuốn Kinh Koran của chủ nghiã logic hình thức”, và bản thân Frege được tôn vinh như “ngọn đèn pha” của chủ nghĩa này.
Chuyện kể rằng lúc đầu, Russell tưởng mình phạm sai lầm logic ở đâu đó. Nhưng sau một đêm kiểm tra kỹ càng mọi biện luận, ông biết rằng mình đã phát hiện ra một nghịch lý hết sức nghiêm trọng của toán học. Ông vội thông báo kết quả cho Frege, đúng vào lúc Frege đang chuẩn bị cho công bố tác phẩm của mình. Ngay lập tức, Frege đau đớn nhận thấy toàn bộ công trình nghiên cứu công phu của ông trong bao nhiêu năm trời nay bỗng nhiên đổ sụp. Trong nỗi cay đắng, Frege vẫn quyết định cho xuất bản bộ sách nhưng kèm theo một hậu chú trong quyển tập II: “Không có gì tồi tệ hơn có thể xẩy đến với một nhà khoa học khi phải chứng kiến nền tảng lý thuyết của mình sụp đổ đúng vào lúc công trình được hoàn thành. Tôi đã bị rơi vào tình thế này do vừa nhận được một lá thư từ ngài Bertrand Russell[1]. Trong nhiều trang sử bi kịch khoa học, câu chuyện của Frege dường như ít được người đời biết đến, kể cả nhiều người trong giới toán học.
Nhưng đó không chỉ là bi kịch của Frege, mà còn là bi kịch của chính toán học thế kỷ 20. Ngay cả Russell, tác giả của nghịch lý làm choáng váng thế giới toán học, cũng không chấp nhận toán học có nghịch lý. Thay vì ngộ ra rằng toán học có giới hạn, toán học phải chấp nhận mâu thuẫn, ông lao vào con đường sửa chữa toán học. Nhưng sửa chữa thế nào?
Muốn sửa chữa công trình của Frege, phải hiểu rõ vì sao Frege thất bại.
Ngày nay các nhà toán học chân chính đã hiểu rõ lý do vì sao Frege nói riêng và chủ nghĩa logic hình thức nói chung thất bại: ấy là vì họ muốn dùng toán học để chứng minh tính phi mâu thuẫn của chính toán học, tức là dùng một hệ thống lập luận tự quy chiếu để chứng minh hệ thống đó phi mâu thuẫn – trái với bản chất của hệ tự quy chiếu (mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn, như đã chỉ rõ ở trên). Vậy có cách nào thoát khỏi nghịch lý tự quy chiếu không?
Năm 1931, Định lý Godel chỉ ra rằng muốn tránh nghịch lý tự quy chiếu phải đi ra bên ngoài hệ thống để phán xét hệ thống, tức là tìm đến một thứ siêu ngôn ngữ của hệ thống đang xét.
2-Quy luật cơ bản của nhận thức và Siêu ngôn ngữ:
Siêu ngôn ngữ (SNN) là một ngôn ngữ dùng để nói về một ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, nếu dùng tiếng Việt để nói về tiếng Anh thì tiếng Việt được coi là một SNN đối với tiếng Anh. Bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng có thể trở thành SNN đối với một ngôn ngữ khác. SNN có thể có nhiều tầng, nhiều lớp. Thí dụ dùng tiếng Việt để phân tích một tài liệu tiếng Anh bàn về tiếng Hebrew, thì tiếng Việt sẽ là siêu-siêu-ngôn-ngữ đối với tiếng Hebrew. Các tầng SNN tạo thành một hệ thống thang bậc SNN (hierachy of metalanguages) kéo dài vô hạn.
Từ điển Anh-Việt là một tài liệu SNN, vì nó dùng tiếng Việt để giải thích tiếng Anh. Đa số người mới học tiếng Anh đều ưa dùng từ điển Anh-Việt thay vì từ điển Anh-Anh. Điều đó hoàn toàn tự nhiên, vì quy luật cơ bản của nhận thức chỉ ra rằng nhận thức phải đi từ cái đã biết đến cái chưa biết.
Người mới học tiếng Anh sẽ gặp khó khăn lớn nếu sử dụng từ điển Anh-Anh mà không có bất kỳ một sự bổ trợ nào khác (không có bất kỳ một thứ SNN nào khác để phân tích ý nghĩa trong tiếng Anh). Dưới con mắt của logic nhận thức, từ điển Anh-Anh là một thứ ngôn ngữ tự mình nói về mình – một dạng nhận thức tự quy chiếu – do đó nó sẽ tạo ra một cái ngưỡng mà người mới học tiếng Anh không thể vượt qua. Tuy nhiên có thể vượt qua ngưỡng này bằng cách sử dụng các dạng siêu ngôn ngữ của tiếng Anh, như: sự giảng giải bổ trợ bằng tiếng Việt của thầy giáo hoặc bạn bè, hình ảnh minh hoạ, cử chỉ điệu bộ bằng chân tay, ánh mắt, khoé miệng của người giảng giải, v.v… Tất cả những cách bổ trợ này đều là những dạng SNN tuyệt vời đối với mọi thứ ngoại ngữ.
Alfred Tarski, một nhà toán học Ba lan xuất sắc, từ lâu đã nhấn mạnh rằng muốn định rõ giới hạn của các tầng nhận thức, cần phải phân biệt rõ ranh giới giữa ngôn ngữ với SNN. Trong toán học, sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ với SNN đã từng là nguyên nhân dẫn tới lầm đường lạc lối, gây nên những tổn thất nghiêm trọng. Đó chính là trường hợp đổ vỡ của chương trình siêu-toán-học đầu thế kỷ 20.
3-Từ Siêu-Toán-Học đến Trí Thông Minh Nhân Tạo:
Khủng hoảng nghịch lý trong toán học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 giống như những cơn chấn động 8 độ richter đối với toà lâu đài toán học! Ngay lập tức, một chương trình ứng cứu ra đời – được gọi là siêu-toán-học (metamathematics) – nhằm sửa chữa, xây dựng lại toàn bộ toán học thành một hệ thống logic tuyệt đối hoàn chỉnh, phi mâu thuẫn, xứng đáng với danh hiệu Ông Hoàng của mọi khoa học, vương quốc của những định luật xác định, chính xác, chặt chẽ. Gọi chương trình đó là siêu-toán-học vì đó là một chương trình toán học nghiên cứu chính toán học, một dạng nhận thức tự quy chiếu vĩ đại nhất trong lịch sử nhận thức.
Để thực hiện mục tiêu vĩ đại đó, David Hilbert đề nghị sử dụng phương pháp tiên đề (Axiomatic Method): mỗi ngành toán học phải có một hệ tiên đề đầy đủ và phi mâu thuẫn, từ đó toàn bộ toán học sẽ phi mâu thuẫn. Đích thân Hilbert đã xây dựng một hệ tiên đề cho Hình học Euclid mà sau này được gọi là Hệ tiên đề Hilbert[2]. Tiếp theo, Hilbert kêu gọi xây dựng một hệ tiên đề cho Số Học, mà nội dung căn bản của nó là Bài toán số 2 trong 23 bài toán nổi tiếng do ông nêu lên trong Hội nghị toán học thế giới tại Paris năm 1900, như một thách thức trí tuệ thế kỷ 20. Tuy nhiên, ước mơ tiên đề hoá Số Học không bao giờ thành hiện thực, bởi lẽ năm 1931, chàng thành niên 25 tuổi Kurt Godel công bố Định Lý Bất Toàn, không những chứng minh Bài toán số 2 của Hilbert là vô vọng, mà còn phủ nhận hoàn toàn chương trình siêu-toán-học!
Nguyên văn Định lý Godel hết sức phức tạp, nhưng bản thân tên gọi của định lý đã nói rõ nội dung của nó: không có một hệ logic nào là đầy đủ, nói cách khác, mọi hệ logic đều bất toàn. Tuỳ theo mục đích nhấn mạnh, các tài liệu kinh điển diễn tả định lý này theo những hệ luận khác nhau. Một trong những hệ luận quan trọng nhất là: Không có một hệ logic hình thức nào đủ mạnh để chứng minh tính phi mâu thuẫn của chính nó. Muốn chứng minh một hệ logic A đúng, phải đi ra ngoài A. Nói theo cách cuả chúng ta, muốn chứng minh A phải sử dụng SNN đối với A. Đó chính là lý do làm tan vỡ giấc mộng xây dựng hệ tiên đề Số Học, bởi vì Số Học là không gian toán học rộng nhất, không còn không gian toán học nào bên ngoài nó nữa (không tồn tại một SNN nào đối với Số Học). Do đó không thể đi ra bên ngoài số học để chứng minh số học phi mâu thuẫn (không thể dùng SNN nào để phân tích mổ xẻ Số Học) !
Nhưng tại sao Hilbert thành công với Hệ tiên đề Hình học? Vì tồn tại không gian bên ngoài Hình Học (tồn tại SNN đối với Hình Hoc, chẳng hạn hình học Descartes là một SNN của Hình Học Euclid, trong đó ngôn ngữ số được sử dụng để phân tích mổ xẻ hình học).
Kết luận của Godel làm rung chuyển thế giới đến nỗi, John von Newman, một nhà toán học khổng lồ của nửa sau thế kỷ 20, vốn là một cánh tay phải của Hilbert, đã cho ngừng bài giảng về chương trình Hilbert tại Đại học Princeton ngay tức khắc khi tin tức về Định lý Godel bay đến Mỹ, và thay thế luôn bằng một chương trình về Định lý Godel.
Đến đây đọc giả đã có thể thấy rõ nguyên nhân đổ vỡ của chương trình siêu-toán-học là ở đâu: Vì đó là một chương trình nhận thức tự quy chiếu, nhưng không tồn tại một SNN của toán học để giúp nó vượt qua giới han !
Nếu toán học đã như vậy thì liệu có một dạng nhận thức nào khác có thể bất chấp giới hạn hay không ? Có thể trả lời ngay rằng không! Mọi dạng nhận thức đều bị giới hạn.
Tuy nhiên, trong thời đại khoa học và công nghệ ngày nay, những xu thế bất chấp giới hạn dường như lại đang hồi sinh: Khoa học về Trí thông minh nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) có thể xem như một thí dụ điển hình.
Hans Moravec, chuyên gia robot của Viện Robotics thuộc Đại học Carnegie Mellon, tuyên bố thẳng thừng rằng đến năm 2050 sẽ ra đời những robot thông minh như con người!  Điều này thật khó tin, vì nhận thức về bộ não chính là một dạng nhận thức tự quy chiếu điển hình nhất. Đồng thời không thể tồn tại bất kỳ một SNN nào đối với những nghiên cứu về bộ não. Mọi thông tin mà chúng ta lượm lặt được như một thứ ngôn ngữ được sử dụng để phân tích mổ xẻ hoạt động của bộ não lại nằm trong chính bộ não, tức là ngôn ngữ của chính nó chứ không phải là một SNN nào hết. Do đó nhận thức về bộ não sẽ có những giới hạn không thể vượt qua, và chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết chính chúng ta. Vậy làm sao có thể chế tạo ra những sản phẩm giống hoặc thậm chí hơn chúng ta? Tham vọng AI là bất khả !
4-Nhận thức văn chương, nghệ thuật và khoa học xã hội:
Nếu gọi nhận thức của khoa học tự nhiên là “nhận thức cứng” thì nhận thức của văn chương, nghệ thuật và khoa học xã hội là “nhận thức mềm”. Trong “nhận thức mềm” chúng ta cũng thường xuyên sử dụng cả ngôn ngữ lẫn SNN. Nhưng dường như sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ với SNN nếu có xẩy ra ở đây cũng chẳng gây nên sự cố gì nghiêm trọng. Tại sao vậy ?
Lý do vì “nhận thức mềm” không áp dụng suy luận logic máy móc như “nhận thức cứng”. “Nhận thức mềm” có bậc tự do cao hơn rất nhiều so với “nhận thức cứng”. Bậc tự do của nhận thức là một đại lượng biến thiên trong khoảng (0, 1):
0 < BTD < 1
Đại lượng này càng cao thì dạng nhận thức tương ứng càng phóng khoáng, càng thấp thì càng bị gò bó theo niêm luật chặt chẽ.
Không tồn tại một dạng nhận thức nào có bậc tự do bằng 0. Siêu-toán-học có tham vọng tìm ra một hệ logic chặt chẽ đến mức bậc tự do sẽ bằng 0, nhưng Định lý Godel đã chứng minh rằng hệ logic đó không tồn tại.
Ngược lại cũng không tồn tại một dạng nhận thức nào có bậc tự do bằng 1. Hội hoạ hiện đại có bậc tự do cực kỳ lớn, có thể gần 1 tuỳ ý, nhưng không bao giờ bằng 1, vì bất kể một ngôn ngữ nào dù phóng khoáng đến mấy cũng không thể không có những niêm luật tối thiểu.
Mặt khác “nhận thức mềm” sử dụng một hệ thống SNN rất phong phú. Chẳng hạn nếu nghe ai đó tuyên bố “Ta là kẻ nói dối” thì “nhận thức mềm” không xử lý câu nói đó theo kiểu logic khép kín của Epimenides, mà sẽ đánh giá mức độ tin cậy của lời nói thông qua ngữ cảnh, qua tâm địa của người nói, qua vẻ mặt, ánh mắt, cử chỉ bộ dạng của anh ta, v.v., tức là sử dụng một loạt các SNN của ngôn ngữ thông thường. Vì thế sẽ không xuất hiện nghịch lý.
Tác phẩm “Tiếng Việt, người Việt, văn Việt” của GS Cao Xuân Hạo là một tác phẩm tự quy chiếu – một tài liệu dùng tiếng Việt để phân tích mổ xẻ tiếng Việt. Khi đọc sách này chúng ta không thấy một mâu thuẫn nào nẩy sinh, ngược lại lý lẽ trong đó rất sắc sảo, thú vị và thuyết phục. Lý do vì khi đọc một tác phẩm văn chương hoặc xã hội học, chúng ta sử dụng mọi liên tưởng, tức là sử dụng mọi thứ SNN có thể có để tóm bắt được cái thần của con chữ, cái thần của câu nói, thay vì “dò từng câu đếm từng chữ” theo kiểu logic máy móc như computer. Nói cách khác khi đối diện với một câu nói, ta phải tóm bắt ý nghĩa toàn thể của câu nói đó ngay lập tức. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đọc các tài liệu tiếng Việt, vì bậc tự do trong tiếng Việt rất cao. Tiếng Việt không tuân thủ các quy tắc ngữ pháp chặt chẽ như các ngôn ngữ Tây phương. Đặc điểm này cũng biểu lộ rất rõ trong âm nhạc Việt Nam truyền thống, điển hình như chầu văn, v.v. Âm nhạc truyền thống Việt Nam có độ “lơi” rất cao. Các nghệ sĩ khi trình diễn phải ăn ý với nhau chủ yếu bằng cảm xúc ngẫu hứng, thay vì tuân theo những tổng phổ chặt chẽ như âm nhạc tây phương. “Giao hưởng hoá” âm nhạc truyền thống Việt Nam có thể làm giảm bớt tính truyền thống Việt Nam.
Có lẽ thơ Hồ Xuân Hương là một loại ngôn ngữ có bậc tự do cao nhất, mặc dù thơ của bà là thơ cổ điển, tuân thủ các niêm luật chặt chẽ về vần điệu. Tôi không tin vào bất kỳ một tác phẩm dịch thơ Hồ Xuân Hương ra các thứ tiếng tây phương nào, dù cho khả năng hiểu thơ bằng tiếng nước ngoài của tôi còn rất hạn chế.
Bậc tự do của ngôn ngữ là cái mà computer không bao giờ theo kịp con người. Sẽ là chuyện nực cười nếu chúng ta trông đợi vào một computer viết văn, một computer sáng tạo nên một Serenade v.v. Đó là chỗ khác nhau cơ bản giữa “nhận thức mềm” với “nhận thức  cứng”.
Nhận thức mang tính người nhiều nhất là “nhận thức mềm”[3], thay vì “nhận thức cứng” như nhiều nhà giáo dục lầm tưởng. Sự lầm tưởng này vô cùng tai hại, bởi nó dẫn tới một nền giáo dục thiên về nhồi nhét kiến thức, thay vì đánh thức tâm trí học trò.
Nhận thức mang tính người nhiều nhất là “nhận thức mềm”, thay vì “nhận thức cứng” như nhiều nhà giáo dục lầm tưởng.
5-Kết:
Khát vọng của nhận thức là đi đến cùng kỳ lý. Nhưng ngay từ thế kỷ 18, Immanuel Kant, nhà triết học lỗi lạc người Đức, đã nói: “Câu trả lời làm dấy lên những câu hỏi mới”. Đó chính là lý do vì sao tồn tại giới hạn của nhận thức. Siêu-Toán-Học muốn đi đến cùng kỳ lý của toán học nhưng đã thất bại. Hiện nay Lý Thuyết Cuối Cùng (The Final Theory) đang muốn đi đến cùng kỳ lý của vật lý, nhưng Stephen Hawking đã đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể đi bao xa trong việc tìm kiếm sự hiểu biết và tri thức?[4].
Đó là một trong những câu hỏi lớn nhất về nhận thức trong thời đại của chúng ta.
Sydney ngày 06 tháng 06 năm 2003 (đã đăng trên Văn Nghệ ngày 21-06-2003)                                                                                           PVHg

[1] Engines of Logic, Martin Davis, W.W.Norton & Company, New York, London, 2000, page 41
[2] Xem “Hệ Tiên Đề Hilbert có hoàn hảo?” của Phạm Việt Hưng trên Tia Sáng số 08.2003.
[3] Xem loạt bài “Đi tìm bản chất đích thực của con người” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học và Tổ quốc từ Tháng 06.2011 đến Tháng 09.2011 và trên mạng:http://vietsciences.free.fr/ ; http://viethungpham.wordpress.com/
[4] Xem “Về bài giảng của Stephen Hawking: Godel và sự kết thúc của vật lý” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Tổ quốc số Tết Nhâm Thìn 2012 và trên mạng:http://vietsciences.free.fr/ ; http://viethungpham.wordpress.com/

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Cửu Thiên





1. Ngũ thú tạp cư địa: Cõi của năm loài có dục vọng cùng ở chung với nhau. Năm loài này là: Trời cõi Dục, Người, Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sinh. Nói cách khác, đây tức là cõi Dục, một trong ba cõi đã đề cập ở trước. Cõi Dục là nơi cư trú chung của năm loài tâm đầy dục vọng, cho nên danh từ Phật học cũng gọi cõi này là "Dục-giới ngũ-thú địa”.
 
2. Li sinh hỉ lạc địa: Cõi của chúng sinh do vừa thoát li khỏi cõi Dục đầy xấu ác khổ đau, nên tâm sinh niềm hỉ lạc; đó tức là cõi trời Sơ-thiền của cõi Sắc.

3. Định sinh hỉ lạc địa: Ở trên cõi trời Sơ-thiền là cõi trời Nhị-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú thường trực trong thiền định mà sinh niềm hỉ lạc thù thắng; cho nên gọi là "Định-sinh-hỉ-lạc địa”.

4. Li hỉ diệu lạc địa: Ở trên cõi trời Nhị-thiền là cõi trời Tam-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu mà bỏ được niềm vui có tính tự mãn của hai cõi trước, tâm trở nên an tĩnh hơn, niềm vui thanh thoát hơn; cho nên gọi là "Li-hỉ-diệu-lạc địa”.

5. Xả niệm thanh tịnh địa: Trên cùng của Sắc-giới là cõi trời Tứ-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu hơn nữa, nên dứt hẳn các niềm hỉ lạc của ba cõi dưới, sống trong cảnh giới thanh tịnh, tĩnh lặng, bình đẳng, sáng suốt; cho nên gọi là "Xả-niệm-thanh-tịnh địa”.

6. Không vô biên xứ địa: Tiến lên Vô-sắc giới, cõi trời đầu tiên là Không-vô-biên-xứ. Chúng sinh ở cõi này vừa thoát khỏi cái khung vật chất của Sắc giới để an trú trong thiền định không hình tướng, đầy tính tự tại của cảnh giới hư không vô biên; cho nên ở đây được gọi là"Không-vô-biên-xứ địa”.

7. Thức vô biên xứ địa: Tiếp đến là cõi trời Thức-vô-biên-xứ, là cảnh giới thiền định thứ hai của cõiVô-sắc, chúng sinh được an trú trong cảnh giới mà thức hoàn toàn trải rộng trong không gian và thời gian vô hạn; cho nên gọi là "Thức-vô-biên-xứ địa”.

8. Vô sở hữu xứ địa: Ở trên cõi trời Thức-vô-biên-xứ là cõi trời Vô-sở-hữu-xứ, cảnh giới thiền định thứ ba của cõi Vô-sắc. Chúng sinh ở cõi này dứt bỏ được tính giao động của hai cõi trước, an trú trong cảnh giới mà tư tưởng hoàn toàn vắng lặng, không còn đến một niệm sở hữu; cho nên cảnh giới đó được gọi là "Vô-sở-hữu-xứ địa”.

9. Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa: Trên cùng của Vô-sắc giới là cõi trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ; nơi đó, chúng sinh an trú trong cảnh giới thiền định cao tột của ba cõi, không còn niệm phân biệt có tư tưởng hay không có tư tưởng, không thiên có, không thiên không, hoàn toàn bình đẳng, an tịnh, cho nên gọi là "Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ địa”.

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

TRIỆU BÀN TAY (tiểu thuyết)








Chương mở đầu





"Đó là con đường để chúng ta hồi cố hương, con người tiến hóa, khoa học phát triển là dấu hiệu loài người luôn tìm con đường trở về, với quê hương Pleiades của chúng nó. Thế hệ con cháu sẽ về thật sự và nguyên vẹn...giờ này mọi cố gắng để về quê chỉ là sự thu hồi những phần mềm, chương trình điều hành, thứ mà loài người Địa Cầu 68B hay gọi là linh hồn. Những linh hồn chưa hoàn thiện vẫn tiếp tục gởi trả xuống Địa Cầu 68B để cài đặt và tiếp tục thảo chương trên các phần cứng là thể xác qua hàng ngàn vạn kiếp kiếp". 

Tx32 ngồi ghi lại những ý nghĩ này khi nó không thể ngủ được, nơi phòng khách của nhà má Sáu. Nó có thể ngủ bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào nhưng hôm nay nó thức và bắt đầu một cuốn . Tối hôm qua, trong cái tiệm sửa chữa đồ điện tử tồi tàn và hôi hám mùi cống rãnh tại một thị xã heo hút của miền Đông Nam bộ, nước Việt Nam, nó đã muốn viết lắm rồi, nhưng nó không thể thức và để mặc cho Diana Krall lôi nó vào giấc ngủ. 

Có lẽ tiểu thuyết ngày nay không giống như như truyền thống, Tx32 tự xuất bản trên mạng internet, bất cứ chương nào, đoạn văn nào cũng có thể biên tập lại [ chẳng thèm quan tâm đến cấu trúc nữa]. Những thứ có thể xóa đi vẫn có thực, vẫn tồn tại như một thực thể hiển nhiên. Tx32 ý thức được sự nguy hiểm của ý nghĩ, vì hầu hết những ý nghĩ của nó đều biến thành sự thật. Quá trình trưởng thành của nó là một cuộc trốn chạy kinh hoàng khỏi những ý nghĩ, vì đôi khi nó đã vô tình làm cho một số người gián đoạn công việc thảo chương trên trần thế bằng những ý nghĩ chưa được xác lập một cách chắc chắn.

Má Sáu thức dậy bởi tiếng chuông điện thoại được cài sẳn và lục tục chuẩn bị cúng thời Tý. Rồi bà ấy đọc kinh, điểm những tiếng mõ vang vang trong màn đêm tịch mịch. Mùi nhang thoang thoảng là nó thấy dễ chịu. Tx32 muốn đốt một cây nhang cho chính nó, vì nó biết The God đang ngự trong nó.

 Từ lâu Tx32 đã biết nó chết rồi, chết thực sự trong trần thế, nhưng có lẽ kiếp này nó chưa thể trở về với Pleiades của nó được. Phải về bằng tất cả ước vọng bao nhiêu ngàn kiếp nó kinh qua, và giờ này nó cảm thấy ngày về gần lắm rồi. Nó biết những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những năm gần đây thông minh và "khôn" lắm, người lớn hay trách chúng ngu dốt, nhưng thực ra chúng nó hiểu nhanh đến độ những điều ta không kịp giảng giải, chúng đã biến tất cả thành mặc định, để còn dung nạp thêm những thứ đang mở ra trong chân trời tương lai trước mặt chúng. Những sinh linh này sắp hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo chương trình linh hồn của mình.

Mấy ngày vừa qua có một số biến động trong con người Tx32, nhiều bậc Chơn Tu hay nói với nó, phải nhìn sự vật bằng con mắt thứ ba, tức Trí huệ. Để khi quan sát một sự vật nào đó, phải nhập thể vào nó, người quan sát với vật thể là một. Tx32 đã rất thành công với thứ gọi là Khoa Học Kỹ Thuật của Địa Cấu 68B bởi nó đã biết hóa thân là chiếc máy, hoặc mạch điện để dễ dàng phát hiện ra khiếm khuyết. Nhưng, ở chiều không gian thứ Tư, nó phải cùng một lúc quan sát cả Người Quan Sát (là nó) và vật được quan sát, vì vậy, trong nó phải có hai con người cùng tồn tại, như thể một chiếc máy điện toán có thể cùng lúc thực thi hai tác vụ trong thời gian thực.


Chỉ những người Pleiades có mặt trên Địa Cầu 68B mới làm được điều này, người Địa Cầu nguyên bản không thể làm được. Chủng Pleiades và hậu duệ giờ cũng đã chiếm gần 1% dân số Địa Cầu. Xã hội Địa Cầu 68B hiện nay thường gọi họ là những người mắc chứng thần kinh phân liệt. Có rất nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này và quan niệm đó là bệnh lý chứ không phải khả năng. Mấy chục năm trước có hai người suýt phát hiện ra khả năng này của người Pleiades, đó là Sigmund Freud và Carl Jung, tuy nhiên với ý nghĩ phải chứng minh cho nhân loại thấy và tâm phục khẩu phục, đã kéo họ ra khỏi cơ hội đó. Âu đó cũng là ý của The God, Đấng toàn năng điều hành chương trình trung tâm vũ trụ. Một khi dòng máu Pleiades pha trộn với người Địa Cầu lan rộng, người Địa Cầu "lai" cũng sẽ có khả năng cảm nhận chiều không gian thứ Tư, họ sẽ kéo về lũ lượt, chứ không phải kẻ ở người đi như bây giờ...


Vũ trụ mà Tx32 đang hiện hữu là vũ trụ phân nhánh ở kỷ Bạch Phấn, nếu như ta muốn tìm một mốc nào đó của Địa Cầu 68A để tham chiếu và so sánh sự tương đồng giữa các vũ trụ đồng dạng với vũ trụ của Địa Cầu 68A hiện nay. Một sự kiện nào đó xảy ra trong vũ trụ là một nguyên tố trong vô vàn sự kiện cấu thành nên vũ trụ đó. Vì một lý do nào đó, tại một thời điểm nào đó, sự kiện đó xảy ra theo hướng khác, vũ tru tại thời điểm đó sẽ phân nhánh thành một vũ trụ khác song song với vũ trụ hiện hữu. Đôi khi ta thắc mắc rằng không gian nào có thể chứa tất cả các vũ trụ phân nhánh đó? Bạn không thấy rằng vũ trụ đang giãn nở kinh hoàng và các vũ trụ phân nhánh đang có xu hướng xếp chật "n" chiều không gian?


Trở lại với Địa Cầu 68A, vì một ngày nào đó ở kỷ Bạch phấn, một quả thông trên một cây thông trung niên đã khô và rụng xuống đất, nó lăn đến bên bờ một con suối đã cạn và nảy mầm, tiếp tục trở thành một cây thông non...Tuy nhiên quả thông của tinh cầu 68B không may mắn như vậy, nó kẹt trên một tảng đá....Một sự kiện không khác biệt nhiều như vậy, không đủ tạo sự dị biệt to lớn, nên Địa cầu 68A và Địa cầu 68B có thể xem như anh em song sinh...







Người Địa Cầu chỉ có thể cảm nhận tối đa ba chiều không gian. Điều này cũng dễ hiểu vì mọi cư dân ở hành tinh này từ xa xưa, khởi thủy đã phải chịu ảnh hưởng của từ trường và trọng trường. Đường sức của từ trường Địa cầu vô hình chung làm cho họ nhận thức được hai chiều của không gian, ứng với khái niệm Đông, Tây, Nam , Bắc của họ. Sức hút về phía tâm của quả Địa cầu giúp họ định hình thêm chiều không gian còn lại. Đối với người Địa Cầu, chiều không gian thứ tư thật phi lý, vì không thể nào kẻ thêm từ tâm "O" một trục nào cùng lúc vuông góc với ba trục còn lại.
Thật may mắn cho chúng ta và cả cho người Địa cầu, với nhận thức về mặt Đạo Đức như hiện nay, và nếu họ có thêm khả năng nhận thức chiều không gian thứ tư; điều này đồng nghĩa với việc họ có thể chu du khắp vũ trụ Hoàn Vũ; bạn có thể hình dung ra viễn cảnh xâm lược, tàn phá, tiêu diệt các nền văn minh thấp hơn họ. Tất nhiên, không loại trừ việc họ gây chiến với các tinh cầu anh em Đồng đẳng...

Hiện nay, loài người Địa Cầu đã manh nha phát hiện ra rằng tất cả các đường thẳng trong nhận thức xa xưa của họ , đều là những đường cong; nhưng đại đa số vẫn cho rằng đường thẳng sẽ đi về Vô Cực ở hai phía âm và dương. Họ đâu biết rằng cái họ gọi là đường thẳng chỉ là những vòng tròn khép kín, vô cực âm và vô cực dương chỉ là một mà thôi, và cũng chính là tâm "O". Có rất nhiều ví dụ thực tế đơn giản nhưng đa số người Địa cầu vẫn chưa chịu nhìn nhận, vì họ vẫn tự nhốt họ trong một cái nhà tù mang tên "ý thức". Chẳng hạn, ta đưa cho họ một chiếc xe siêu tốc và bảo họ chạy thẳng tuyệt đối (theo "ý thức" của họ), một lát sau bạn sẽ thấy họ trở lại đúng nơi họ vừa xuất phát, bởi vì hành tinh của họ chính là một khối cầu!
 



Loài người Địa Cầu luôn bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải biết trước tương lai, họ có một khát vọng tiền ẩn trong bản năng là luôn hướng về chiều Dương của trục thời gian. Thực ra tương lai chỉ là một tập hợp dữ kiện bất định và lộn xộn. Đúng ra thì họ nên truy cập vào chiều Âm, chiều của quá khứ, nơi đó có tất cả những dữ kiện xác định, xếp chật các lát cắt không gian, chúng chồng lên nhau để tạo thành cái gọi là Thời Gian. Đối với họ , trục thời gian là một đường thẳng, chỉ phát triển theo một chiều Dương, nên họ khao khát giũ bỏ quá khứ và vươn đến cái gọi là tương lai. Họ đâu biết rằng trục thời gian là một vòng tròn khép kín, nơi cuối cùng cũng chính là nơi bắt đầu, trong quá khứ có tất cả các dữ kiện của tương lai.Người Địa Cầu đôi khi cũng mơ hồ nhận ra điều này qua hiện tượng Tiền Ký Ức ( Deja`vu), đó là cảm giác đồng dạng không gian giữa giấc mơ (quá khứ) và sự kiện vừa chứng kiến.

Cuộc đời một con người cũng là một vòng tròn thời gian nhỏ, khi con người mới chào đời, đứa bé chỉ là một cỗ máy sơ khai, một phần cứng tối giản, khi đó, một linh hồn được gửi đến, là một hệ điều hành nguyên thủy, cùng một số ứng dụng đơn giản ( Đạo học gọi là "chơn linh"), sẽ được cài đặt vào phần cứng là đứa bé đó, từng bước, từng bước các công năng được set up, giúp đứa bé tự nhận biết thế giới xung quanh, ý thức và gia nhập xã hội. Đến lúc lìa đời, xảy ra quá trình ngược lại, từng bước tắt dần các chức năng điều hành, lưu lại ( save) các dữ liệu và chương trình đã phát triển, sau đó gửi về trung tâm điều hành ( Thiên Đàng, Thượng Giới).


 Như vậy đã hoàn thành một vòng tròn thời gian nhỏ. Vũ trụ là một vòng tròn lớn hơn, điểm khai lập đất trời cũng là điểm kết thúc, Sáng Thế và Tận Thế là một mà thôi, giống như một con rắn tự nuốt đuôi mình, quá khứ và tương lai luôn tuần hoàn, phân định bằng cái mốc Hiện Tại. Quá khứ - trật tự và ổn định, là Kết Quả; Tương lai - hốn loạn và bất định, là Nguyên Nhân. Hiện tại vừa xảy ra, vừa tiếp diễn, càng ngày càng làm quá khứ phình to ra và tương lai thu hẹp lại . Cho nên, truy cập vào quá khứ, bạn sẽ thấy tương lai.




( còn tiếp )

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Nẻo về của thanh..(tiểu thuyết)





Tôi không nhớ rõ lắm chuyện của một tay chơi âm thanh nước ngoài, khi được hỏi tại sao trong thời đại công nghệ tiên tiến lại đeo đuổi cái công nghệ cũ rích và lạc hậu là đèn điện tử, ông ấy chỉ cười và trả lời: "Vì đèn là âm nhạc!"
Tôi cũng có cảm giác rằng các bạn trẻ ngày nay thường ngộ nhận về cái gọi là âm thanh "đèn"
,và những khái niệm đi kèm với đại lượng cân, đo, đong, đếm được như băng thông, tốc suất, méo hài...mà quên rằng tăng âm đèn dùng để tái hiện một miền con của phạm trù âm thanh:
âm nhạc. Âm nhạc, nó là một nghệ thuật, là tâm hồn của con người. Một thiết bị tái hiện âm thanh nếu chỉ dựa trên những tiêu chí sơ khai như đã nói ở trên sẽ không bao giờ mang lại cái hồn của bản nhạc cho các bạn nghe và "cảm".
Tôi sẽ cố gắng trình bày cho các bạn quan điểm của tôi về cái gọi là "âm thanh đèn" qua những hoài niệm về một thời đã qua và một chút vị lai, chỉ mong các bạn cùng tôi thử đứng trên một "hệ quy chiếu" khác mà nhìn cái thế giới âm thanh hiện hữu xem có chút gì khác không?




Những hoài niệm thơ ấu 

Tôi lớn lên trong thời kỳ đất nước còn rất nhiều khó khăn. Phương tiện giải trí không được hiện đại và phong phú như bây giờ. Cha tôi, một viên chức mẫn cán suốt ngày cặm cụi với giấy tờ, sổ sách thường nhật, nên tôi ngoài những giờ đến lớp, thú giải trí hấp dẫn nhất là căn phòng của ông với bốn bức tường đều là kệ sách. Tôi đọc ngấu nghiến tất cả những gì có in chữ trong đó, từ những cuốn dày cộp về đường lối, chính sách đến tạp chí xưa cũ Paris March, National Geographic...
...Nhưng cái bí ẩn và huyền diệu nhất bao giờ cũng là ...máy hát. To và nặng trịch như Akai M10, Sharp...những núm vặn, núm khởi động bằng inox sáng lấp lánh, chiếc kim đồng hồ vung vẩy huyền bí cho đến chiếc cassette Phillips nhỏ xíu và những cuồn băng Scotch...Tôi nhét một cuộn tape vào và bặm môi gạt cái cần play.
Giọng ca Lệ Thu trong bản Hương Xưa với giọng ca vang vang, xa xôi như từ một cõi xa mờ nào đó vọng về. Cảm giác đó tôi không thể nào quên trong đời, cho đến khi âm thanh bắt đầu uốn éo và dây ma nhê đùn ra lòng thòng ngoài cửa máy, lại sợ một trận mắng mới khi tiếng xe của cha tôi đang phành phạch trước ngõ khi giờ làm việc đã hết...
Cuộc sống bắt đầu trở nên khó khăn hơn. Lúc đó tôi vẫn không hiểu tại sao cha tôi lại bán đi chiếc xe Lambretta 200cc với giá 40 đồng, mà lại cương quyết không chịu tống khứ những thứ cồng kềnh vô dụng (như lời mẹ tôi). Bọn chúng là những thùng loa bằng gỗ xấu xí phía trước được che bằng khung vải bố bẩn thỉu, những cái gọi là "âm ly" với màu sơn xám xịt, đen đúa có gắn thứ cha tôi gọi là "bóng đèn". Thậm chí ông còn bán luôn vật mà cả nhà luôn chờ đợi đến 7h tối để nghe bản nhạc quen thuộc của đài truyền hình, chiếc TV Denon. Tôi thật không thể hiểu nổi.
Âm nhạc của cha tôi là Louis Amstrong, Frank Sinatra, Ella Fitzgerald, Etta James...rồi Sơn Ca 7, Tứ Quý...Thứ âm thanh nhừa nhựa, đùng đục theo tôi suốt cả thời thơ ấu.


Người thầy đầu tiên 

Rồi cơn bão đồ âm thanh bán dẫn secondhand Nhật bản quét qua thành phố, mang theo cái chói chang thời thượng với điệu disco cải biên của Modern Talking, nó hối hả hơn so với BoneyM ngày nào.
Những ngày hè nhàn tản, tôi ghi danh học lớp Ampli mở gần nhà. Tôi còn nhớ nó nằm ở góc đường Tú Xương và Bà Huyện Thanh Quan. Lớp học của tôi chỉ có hơn 10 người, trong đó tôi bé nhất. Khóa học đầu tiên chuyên về ampli đèn. Thầy Lâm An đứng lớp này và lần đầu tiên trong đời tôi được giải thích về công năng của các vật bí hiểm trong ampli . Phòng học là một thế giới ampli vintage với kho bóng đèn, OPT vĩ đại. Một anh chàng thanh niên hỏi thầy An:
-Thưa thầy trên thị trường bây giờ toàn ampli bán dẫn, tại sao phải học ampli đèn làm gì cho tốn thời gian?
Thày cười :
-Con phải học và hiểu những cái có trước, cho dù nó không sử dụng nữa. Rồi mới có thể hiểu và làm được những cái phát triển sau.



Đơn giản là sự ngụy biện cuối cùng 

Nếu nhìn vào sơ đồ của ampli bán dẫn Nhật Bản, hẳn các bạn sẽ bị choáng ngợp bởi mức độ phức tạp của nó. Một quần thể nhỏ của các loại linh kiện được kết hợp dày đặc, rất hiện đại, hứa hẹn cho ta thứ âm thanh hoàn hảo-perfect sound. Nhưng không phải như vậy...
Ngược lại trong một chiếc ampli đèn, số linh kiện chỉ cần đến trên đầu ngón tay, chỉ làm đúng công năng của nó và khi hát cũng vậy, chỉ làm đúng nhiệm vụ chuyển tải âm nhạc đến người nghe mà thôi.
Ampli bán dẫn thường giống như một món sơn hào hải vị với vô số gia vị nêm vào, để rồi thực khách THỰC mà bất tri kỳ vị, trong khi đó ampli đèn lại giống một đĩa rau muống luộc ăn kèm dưa cà hơn.

Những hoài niệm thơ ấu 

Dạo ấy gần nhà tôi có một quán cafe nho nhỏ. Cô chủ quán xinh đẹp với mái tóc xoăn thời trang lúc bấy giờ, nghe đâu cô ấy là chị ruột một nhà văn thanh niên xung phong nổi tiếng. Chú tôi sau mỗi lần đi công tác về lại dẫn tôi qua cái quán đó uống cafe. Lần đầu tiên bước vô thế giới của người lớn, tôi tròn xoe mắt nhìn vách tường ốp gỗ thông vàng điểm xuyết những poster của nhóm ABBA, Beatles...Những chú lớn tuổi nói cười rổn rảng trong làn khói CAPSTAN bay vòng vèo. Hết sức bình sinh trèo lên chiếc ghế cao và nhất mực đòi uống cafe đen, làm cô chủ quán bẹo má tôi và cười với ông chú:
-Anh có "ông" cháu xịn đó!
Chiếc đầu băng cối phát ra tiếng rột roạt nho nhỏ như tiếng dây băng cọ vào bộ phận nào đó, não nùng đưa lời hát (sau này tôi mới biết là nhạc Phạm Duy):

Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi ... xa xôị 
Nếu một mai em đốt pháo vui
Hát theo người
Hương cưới chia phôi, cười mặn tình đờị 
Nếu một mai em bước qua thềm
Mang nặng hồn mềm
Em trở mình trên nhân duyên
Nếu nửa đêm trăng gió đã lên 
Bão mưa êm, chăn gối ghi tên
Bia mộ đường quên.
Nếu một mai không còn ai 
Đứng bên kia đời trông vòi vói
Không còn ai ! Đâu còn ai ?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là giăng giối mà thôị
Nếu về sau em có qua cầu
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu
Mà nói chuyện quên nhau
Nếu vì sao, quay gót cuốn mau
Dấu chân sâu in vết không lâu
Chẳng nợ gì nhau ... 






Tôi biết yêu từ đó và người cho tôi biết rung động chính là ...cô chủ quán. Nó không hoàn thiện như một tình yêu thực sự, chỉ là cảm giác lưu luyến, hồi hồi khi nhìn thấy cô ấy. Để rồi cứ bâng khuâng trong lớp học, chờ đợi tiếng trống tan trường lại chạy ù qua quán cafe, gọi ly đen uống đánh ực, chỉ mong sao được nhìn thấy cô hàng cafe cười nói, đi ra đi vào. Các bạn đã bao giờ trong đời có lần ngốc nghếch và dở hơi như tôi chưa?


Ở chợ Dầu có hàng cà phê
có một cô nàng bé xinh xinh
cô hay cười hồn xuân phơi phới
cứ xem dáng ngươì mới chừng đôi mươi

Làn thu ba cô liếc nghiêng thành
mùi hương lan thơm ngát vương bên mình
làm say mê bao gã thiếu niên đa tình
mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô

Lơ thơ tơ liễu buông mành
cho hay cái sắc khuynh thành
làm cho nhiều chàng chết mê mệt
đi đâu cũng ghé qua hàng
mong trông thấy bóng cô hàng
thì trong lòng chàng mới yên

Hôm nao dưới bóng ánh trăng mờ
tôi mơ thấy bóng cô hàng
nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào 
trông cô rón rén ra vào
đôi môi thắm cánh hoa đào
lòng tôi rạt rào muốn xiêu


Một chàng trai dáng người hiên ngang
đến tự phương nào trong gió đông sang
khách qua đàng vì cô lưu luyến
Đã bao tháng trường ước được nên duyên
Chàng yêu cô vô bến vô bờ
mà sao cô cứ mãi hững hờ
buồn cho anh yêu quá hoá như điên rồ
tấm thân bơ phờ
dường như muốn chờ một kiếp mai

Vô duyên cái túi không tiền
anh mua chuốc lấy ưu phiền
rồi đến một ngày ốm la liệt
không sao lê bước đến hàng
anh mong bóng dáng cô nàng
hiện đến dịu dàng với anh
Thương thấy lữ khách bên đàng
cô mang thuốc đến cho chàng
ngờ đâu con người trước bao hiên ngang
lim dim khóe mắt hoe vàng
anh đi sắp đến thiên đàng
vừa lúc cô hàng biết yêu...




Giờ đây đã mấy thu qua
có lúc mơ về đường xa
tôi nhớ những đêm trăng tà
cô hàng với bàn tay ngà ... ....


Những hoài niệm thời thơ ấu 

Những ngày hè của lớp 5, nhờ kết quả học hành có phần phấn khởi hơn, cha tôi quyết định thưởng cho tôi một chuyến du hành lên vùng kinh tế mới. Đó là nơi người bác ruột của tôi sinh sống sau ngày hòa bình lập lại.
Tôi háo hức lắm.Thưở vẫn còn chạy rông tắm mưa với lũ trẻ trong hẻm, mỗi lần thấy chiếc AUSTIN nhỏ xíu hay Pơ-Giô Đơ-Xăng-Troa sơn màu trắng sọc xanh chạy từ miệt Chợ Lớn lên, bọn chúng vẫn giả vờ vẫy và hát:


Tắc Xi Tắc Xi
Đi vùng kinh 
tế mới
Bao nhiêu, bao nhiêu?
Hai đồng ba mươi xu
Mắc quá, mắc quá
Thôi hai đồng nhé?
Lên đi, lên đi
Hai đồng hai mươi xu

(Vô cùng xin lỗi người nhạc sĩ đã sáng tác bài hát này, tôi không có ý nào khác ngoài việc tái hiện những ký ức sinh động thưở ấy)
Khái niệm vùng Kinh Tế Mới đã in sâu vào tiềm thức của tôi từ rất lâu, lại thêm những câu chuyện kể của các anh Thanh Niên Xung Phong được về phép khiến máu phiêu lưu sôi sục trong tôi...


...Chiếc xe Renault cà khổ với hai dãy băng ghế gỗ dọc suốt chiều dài thùng xe chật kín vài chục con người già trẻ. Phía sau đuôi xe có một cái bình trông giống bình Acetylen của mấy anh thợ hàn nhưng lớn hơn rất nhiều, tỏa ra cái nóng hầm hập. Anh phụ xe mặt mũi lọ lem đen nhẻm lâu lâu lại trèo lên mui xe cầm cây sắt nhọn thọc thọc vào cái Hỏa Diệm Sơn đó, khiến tàn than đỏ rực bay tung tóe, cuốn cả vào trong xe làm mấy bà, mấy cô diện đồ vải SOIR bị cháy thủng lỗ chổ, kêu trời kêu đất.
Xe chạy qua rừng cao su, tôi mải mê ngắm những thân cây thẳng tắp nối đuôi chạy ngược về phía sau, những tảng đá khổng lồ như tòa nhà nằm chồng lên nhau...
Không khí bắt đầu trở nên mát rượi, xe bắt đầu lên đèo, bác tài liên tục thắng và sang số kèn kẹt. Anh chàng lơ xe nhảy xuống chạy bộ theo xe, tay lăm lăm cục gỗ để chặn vào bánh, không cho xe tuột dốc. Chợt khói bốc lên nghi ngút từ nắp Ca-pô, bác tài dừng lại và sau một hồi ngó nghiêng, bảo:
-Xin bà con thông cảm xuống...đi bộ, xe leo đèo hết nổi rồi !
Xế chiều, hai con người lem luốc bụi than là tôi và ông bác nhảy xuống khỏi thùng xe, sau khi vẫy chào bác tài và anh phụ xế vui tính...




...Những ngày hè ở vùng Kinh Tế Mới cực kỳ thú vị đối với một chú nhóc hiếu động như tôi. Tôi suốt ngày lò dò quan sát để hy vọng phát hiện ra quy luật di chuyển của các con thú như bò, ngựa..., mà tôi chỉ được thấy qua màn ảnh, hoặc trong Thảo Cầm Viên. Bác tôi không nhịn được cười khi tôi "báo cáo" những phát hiện ngớ ngẩn đó. Bác bảo:
-Tối nay đi chơi với bác sẽ còn nhiều cái thú vị hơn đấy!
Buổi chiều thị trấn vùng cao buồn hiu hắt, những đám mây trắng đủng đỉnh bò qua các dãy núi xa xa. Mới năm giờ mà cảnh vật đã sẫm màu lắm rồi. Mấy cô gái má hồng tha thướt trong tà áo dài đi đến giáo đường, mái tóc lòa xòa ướt mượt sương chiều.


Nhà người bạn của bác tôi, Thầy BA, nằm sâu trong ngõ hẻm. Hiên nhà có giàn thiên lý rủ những bông xanh xuống bức tường đá. Thầy BA là hiệu trưởng một trường trung học trong vùng. Căn phòng khách giản dị với tông gỗ nâu đậm màu thời gian, tủ buýp-phê và bộ sofa cổ kính. Chúng tôi được thầy mời món cafe tự rang và trước khi sử dụng phải xay bằng cách quay cái cối gỗ. Lúc bác tôi kéo cái khay gỗ ra một món bột nâu màu đất, thơm lừng, tôi mới biết thế nào là cà phê nguyên chất, không như thứ cafe mùi bắp rang mà tôi vẫn thường uống ở thành phố. Trong khi chờ đợi những giọt cà phê thong thả điểm xuống tách thủy tinh, thầy BA với tay lên nóc tủ lấy một đĩa nhựa và đặt vào turntable hiệu Garrard, đó là một mâm xoay thật đẹp màu beige trên hộp gỗ màu maroon. Nhìn cái cần của nó tôi tưởng tượng như một chiếc đầu xe lửa đang từ xa chạy tới. Bên cạnh mâm đĩa than là chiếc ampli KNIGHT đang đần dần đỏ đèn...Một giọng nam trầm ấm bắt đầu vang lên:


Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong

Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng

Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên



Tôi đã bắt đầu biết lâng lâng với hương cafe ngào ngạt, những tách trà vị ngọt chát. Ngoài trời mưa bắt đầu rả rích, thị trấn im lìm, một vài ánh đèn cao áp tỏa thứ ánh sáng tim tím xuống con đường vắng vẻ. Tiếng hát như lan tỏa mênh mang hơn, ngân nga hơn. Cặp loa Sansui cỗ lổ dường như biến mất ...
Ngày ấy tôi còn ngơ ngác quá, làm sao có thể hiểu hết những ngôn từ trừu tượng, xa vời của các bài hát. Nhưng chính những ca từ đó, những giai điệu đó khiến tôi xúc động mãnh liệt. Từng tiếng guitar thùng, tiếng kèn sax, tiếng thanh quản...phát ra đã in sâu vào tâm trí tôi từ lúc nào không biết...
Thầy BA lôi từ trong hộc tủ một bìa đĩa cũ mèm, trong đó có một bài hát tôi còn nhớ đến ngày hôm nay:


Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời


Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi


Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai 

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà có duyên


Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành


Đất nước tôi ! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi ! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi


Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong 

Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu


Tấm áo nâu ! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi
Tấm áo nâu ! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi 

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai


Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa...





Những hoài niệm thời thơ ấu 

Ngày hôm sau, bác tôi rủ tôi vào rừng câu cá. Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị hành trang gồm cần câu, dao rừng và một ba lô các thứ linh tinh, bác tôi bảo chúng sẽ hữu dụng trong rừng. Con đường ra sông rất xa, chúng tôi mải miết đi qua các sườn đồi cỏ tranh lúp xúp, những đợt gió thổi qua làm chúng uốn lượn, như những đợt sóng hùng vĩ nối đuôi nhau chạy xa tít tắp.
Chợt một khung cảnh hiện ra trước mắt tôi như trong truyện cổ tích. Giữa cánh đồng đất đỏ tươi rói, ngôi nhà nhỏ xinh xắn bên trên có ống khói đang nhả những dải lụa xám lên bầu trời màu ngọc bích thanh bình. Bác tôi bảo:
-Đây là điền trang của ông K'Tiêng, một người dân tộc CHÂU MẠ lai PHÁP, có lẽ bác cháu ta phải nghỉ lại đây trước khi đến sông mất.
Người chủ điền trang chạy ra đón chúng tôi trong tiếng chó sủa đinh tai nhức óc. Đó là một người đàn ông ngoài 50 nhưng vẫn rất cường tráng với làn da nâu đồng, bộ râu quai nón bạc phơ. Tôi chợt nhớ đến HEMINGWAY và câu chuyện về ông già trên biển cả. Tại điền trang của ông K'Tiêng, tôi được ru vào giấc ngủ bởi giọng ca ELVIS PHƯƠNG, Jo-Marcel...phát ra từ đầu băng cối AKAI M-8, và bởi men rượu của thứ rượu lạ đựng trong chai dẹp whiskey cũ, mà tôi cứ bị ép uống cho bằng được, "để mau thành người đàn ông" như lời ông ta nói.
Giữa cái yên lặng gần như tuyệt đối của bốn bề núi rừng, chỉ có tiếng xình xịch của máy phát điện và âm nhạc, tôi biết mình sắp bước vào một cuộc phiêu lưu mới, đầy mạo hiểm và cũng không ít điều kỳ thú.









Mới gần bốn giờ sáng, tôi đã bị đánh thức dậy bởi tiếng lịch kịch của những người nhà đang chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Không thấy bác tôi nằm bên cạnh, tôi lò dò bước xuống bếp, đã thấy bác tôi và ông K'Tiêng đang ngồi đó từ bao giờ. Hai người đang chuyền tay nhau chiếc tẩu thuốc nặng trịch. Tôi ngồi xuống cạnh bác tôi, ông K'tiêng lấy cho tôi một quả bắp nướng nóng hổi, xoa đầu tôi và nói giọng lơ lớ:
-Tướng này mai mốt sẽ lấy phiêu bạt giang hồ làm nhà cho mà xem.
Chợt ..."huỵch...ẳng ẳng...", một con cọp khá lớn nhảy qua dãy hàng rào lưới B40 cao hơn bốn mét, vồ ngay chú chó đang ngái ngủ nơi cửa bếp. Nó ngoạm con chó tội nghiệp rồi nhảy ra một cách nhẹ nhàng, biến mất trong bóng tối. Những chú chó hung dữ khác cũng hoảng vía, cụp đuôi vào bụng rồi lếch thếch trốn trong gầm giường, miệng rên ư ử.
Ông K'Tiêng bảo con cọp ấy ăn quen nên dạn dĩ lắm, thường xuyên mò ra bắt gia súc và không quên dặn chúng tôi phải cẩn thận khi vào sông câu cá.











Mặt trời ló dạng sau đỉnh núi, chúng tôi tiếp tục lên đường trong tiếng chích chòe than lảnh lót trên các tàng cây. Qua những cây cầu bằng thân cây bắc qua các con suối nhỏ, những con dốc dài tít tắp, đã đến dòng sông.Đó là một nhánh thượng lưu của con sông Đồng Nai hung hãn. Nó uốn lượn qua những thung lũng vách dựng đứng, qua những gềnh đá lởm chởm, tạo ra vô số con thác nhỏ ngoạn mục.
Bác tôi dẫn tôi men theo trảng cỏ thoai thoải xuống bờ sông, tôi liên tục giật mình thon thót vì những con kỳ đà mốc thếch, nghe tiếng động bỏ chạy xoành xoạch xuống mép nước, hay những con chim mỏ nhát vỗ cánh bay mất hút khỏi tầm mắt.
Ngồi trên một thân cây đổ ra giữa sông, bác tôi bắt đầu buông cần. Mồi câu là một loại lá cây nhỏ hái dọc đường đi. Cá ở đây nhiều vô số kể, chưa đầy mươi phút, bác tôi đã kéo lên một con cá rất lớn sau một hồi kịch liệt giằng co với nó.
-Con này gọi là cá "me", thịt rất ngon, nhất là cái đầu đấy.
Bác tôi giải thích như vậy. Tôi được giao cho việc đi bứt dây rừng xỏ những chú cá thành một xâu dài. Đến xế trưa, tôi bắt đầu lo ngay ngáy, chẳng hiểu thế nào mà bác cháu tôi khiêng nổi số cá này về đây?








Trời oi bức lạ thường, những đám mây nửa đen nửa trắng ở cánh rừng phía tây đang đùn lên rất nhanh. Đâu đó ở xa xa có tiếng lục bục nho nhỏ. Bác tôi chợt thu cần câu và nghe ngóng:
-Không xong rồi, phải rút nhanh thôi. Lũ rừng đấy.
Nói rồi ông khoác ba lô lên vai, một tay cầm dao, một tay lôi tôi chạy thục mạng lên sườn đồi. Tôi ngoái lại tiếc rẻ:
-Thế đống cá thì sao hở bác?
-Không kịp đâu cháu à, đành bỏ lại thôi.
Tiếng động ở phía xa đã trở thành tiếng ầm ì như sấm rền. Từ trên cao tôi thấy chỗ chúng tôi ngồi câu cá lúc nãy biến thành biển nước ngầu đỏ, cơn lũ cuốn phăng những thân cây to, nhấn chìm vào dòng xoáy như các miệng phễu khổng lồ.
Sét đánh chớp lòa và đanh như xé vải, cơn mưa dông trút xuống ào ạt khiến chúng tôi ướt như chuột lột. Hai bác cháu núp mưa dưới tảng đá hoa cương, cái cạnh nghiêng nghiêng của nó như một mái hiên, phủ đầy dây leo lòng thòng, đã giúp chúng tôi lấy lại chút hơi ấm qua cơn mưa rừng lạnh buốt.





Cơn mưa dông đến chớp nhoáng như thế nào, thì nó kéo nhau ra đi cũng nhanh như vậy. Bầu trời xanh lại hiện ra sạch sẽ như có ai vừa quét dọn. Trên đường trở về, dòng suối nhỏ hiền hòa ban sáng giờ réo lên sùng sục, cây cầu bằng thân cây ngập hơn mét nước, tạo thành một cái đập chắn các loại rác rến và cành cây mục trong rừng. Bác tôi bảo nếu đi một mình thì ông có thể liều bơi qua, nhưng lại có tôi nên đành chờ nước rút cho an toàn. Bóng đêm sập xuống rất nhanh. Bác tôi đỡ tôi trèo lên cây SONG MÃ bên bờ suối, leo mãi đến cái chạc ba chót vót trên cao. Tôi thò tay tính khều sợi dây màu trắng bạc, dèm dẹp vương ở khóm râu rồng bám trên thân cây(bây giờ nhớ lại, tôi thấy nó giống sợi dây loa NORDOST lắm). Bỗng "Phập", bác tôi rút dao chặt sợi dây đó đứt làm đôi,nó rơi xuống mặt đất và liên tục quằn quại. Ông xuýt xoa:
-Tý nữa tiêu cháu tôi rồi, con BẠCH XÀ này cắn thì có mà hoại thư.


Để cho an toàn, bác tôi rút dây rừng cột tôi vào thân cây, rồi ngồi phía dưới trông chừng. Ve rừng kêu như ma tru quỷ khóc. Những con heo rừng đi ăn đêm ủi sột soạt dưới gốc cây. Tôi sợ đến nổi không chợp mắt được một giây nào dù đã mệt mỏi ê ẩm. Bỗng ..."boong krỏi...boong krỏi..." tiếng chim đêm kêu đâu đó xa xa. Bác tôi khều nhẹ:
-Suỵt, cháu ngồi cho chắc nhé, cọp đấy.
Tiếng chí chóe của các chú heo rừng non im bặt. Giây phút chờ đợi chúa sơn lâm thật rùng rợn...tôi cứ ngỡ thời gian không bao giờ trôi qua nữa. 
Rồi nó cũng đến, tôi nghe tiếng soạt...soạt, qua ánh trăng hạ tuần nhàn nhạt, con cọp vằn vện tỏa ra mùi khét lẹt hiện ra từ sau bụi dây mây. Nó bắt đầu gầm gừ, nghe như tiếng máy cày MARSEY FERGUSON của ông K'Tiêng khi đạp ga vượt qua mô đất. Tôi nhớ trong truyện Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, nhân vật AN đã hét lên một tiếng thật to, làm con cọp giật mình bỏ chạy, nhưng tôi không thể nào mở miệng nổi để hét như vậy.
Dường như nó đã đánh hơi ra chúng tôi, nó bắt đầu dựng đứng lên quào quào vào thân cây chúng tôi đang ngồi. Con cọp phóng lên cây theo cái cách của những chú mèo con hay đùa nghịch, nhưng chưa tới nữa thân cây nó đã bị tuột xuống, hóa ra cọp vẫn có thể trèo cây, nhưng không giỏi. Nó quanh quẩn một hồi lâu rồi bỏ đi, tôi nghĩ có lẽ nó tìm những con heo rừng sẽ dễ có một bữa tiệc ngon lành hơn hai bác cháu chúng tôi chăng?
Chúng tôi ngồi mãi trên cây đến khi chim chóc hót vang lừng, mặt trời cũng vượt qua ngọn cây bên cạnh. Phía đầu cầu bên kia có tiếng động cơ nho nhỏ, rồi một chiếc LAND ROVER màu xanh olive với bánh xơ-cua gắn trên nắp Ca-pô hiện ra, ông K'Tiêng bước xuống xem xét cây cầu đã lộ ra do nước rút đi. Bác tôi tuột xuống trước và gọi:
-Hú...hú...chúng tôi ở đây này!
Ông ta đã tìm thấy chúng tôi, cười ha hả:
-Tôi biết anh bị dính cơn lũ, tính vào cứu nhưng không thể nào qua suối được, đành chờ đến sáng thôi!
Bác tôi kể lại chuyện con cọp ban tối, ông K'tiêng khen:
-Chàng trai này cũng gan quá, không sợ ông ba mươi à?
Tôi xấu hổ vô cùng, vì lúc đó thiếu điều chết cứng trên cây vì sợ.
Buổi chiều hôm đó, ông K'tiêng đánh xe chở chúng tôi về thị trấn. Chiếc LAND ROVER lao trên con đường cao nguyên đâm thẳng vào mặt trời hoàng hôn đỏ lựng, trong cảnh vật và bầu trời tím ngắt. Bất giác tôi nhớ lời một bài hát tôi được nghe ngày hôm kia tại nhà ông già người dân tộc thiểu số vui tính:

Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta
Đời hằng mong thoát đi, đi khung trời xa
Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.

Mặt trời không muốn sáng soi cho ta thấy
nắng lên trong đêm dài, cho đời ta ấm áp.

Nụ cười ta đánh rơi mất khi còn thơ,
Chỉ còn hiu hắt trên đôi môi hững hờ.
Từng niềm tin vỡ tan, bước xa mộng mơ.
Mặt trời đen vẫn xua bóng đêm nhẩn nhơ

Nụ cười chưa vang tiếng sao nghe nước mắt
thấm lên đôi vai gầy.Ôi! buồn đau biết mấy.

Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta.
Đời hằng mong thoát đi thấy khung trời xa.
Cuộc đời như thú hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.

Đời buồn mong quên hết, ta mong quên hết.
Vứt đi bao âu sầu luôn tìm nơi nương náu.

Sao ta vẫn thấy mặt trời đen, đen như mực.
đen như đêm ma quái.

Sao ta vẫn thấy mặt trời đen, đen như mực.
đen như đêm ma quái. 


Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta
Đời hằng mong thoát đi, đi khung trời xa
Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.

Mặt trời không muốn sáng soi cho ta thấy
nắng lên trong đêm dài, cho đời ta ấm áp.

Nụ cười ta đánh rơi mất khi còn thơ,
Chỉ còn hiu hắt trên đôi môi hững hờ.
Từng niềm tin vỡ tan, bước xa mộng mơ.
Mặt trời đen vẫn xua bóng đêm nhẩn nhơ

Nụ cười chưa vang tiếng sao nghe nước mắt
thấm lên đôi vai gầy.Ôi! buồn đau biết mấy.

Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta.
Đời hằng mong thoát đi thấy khung trời xa.
Cuộc đời như thú hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.

Đời buồn mong quên hết, ta mong quên hết.
Vứt đi bao âu sầu luôn tìm nơi nương náu.

Sao ta vẫn thấy mặt trời đen, đen như mực.
đen như đêm ma quái.

Sao ta vẫn thấy mặt trời đen, đen như mực.
đen như đêm ma quái.





( còn tiếp )