Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Cửu Thiên





1. Ngũ thú tạp cư địa: Cõi của năm loài có dục vọng cùng ở chung với nhau. Năm loài này là: Trời cõi Dục, Người, Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sinh. Nói cách khác, đây tức là cõi Dục, một trong ba cõi đã đề cập ở trước. Cõi Dục là nơi cư trú chung của năm loài tâm đầy dục vọng, cho nên danh từ Phật học cũng gọi cõi này là "Dục-giới ngũ-thú địa”.
 
2. Li sinh hỉ lạc địa: Cõi của chúng sinh do vừa thoát li khỏi cõi Dục đầy xấu ác khổ đau, nên tâm sinh niềm hỉ lạc; đó tức là cõi trời Sơ-thiền của cõi Sắc.

3. Định sinh hỉ lạc địa: Ở trên cõi trời Sơ-thiền là cõi trời Nhị-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú thường trực trong thiền định mà sinh niềm hỉ lạc thù thắng; cho nên gọi là "Định-sinh-hỉ-lạc địa”.

4. Li hỉ diệu lạc địa: Ở trên cõi trời Nhị-thiền là cõi trời Tam-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu mà bỏ được niềm vui có tính tự mãn của hai cõi trước, tâm trở nên an tĩnh hơn, niềm vui thanh thoát hơn; cho nên gọi là "Li-hỉ-diệu-lạc địa”.

5. Xả niệm thanh tịnh địa: Trên cùng của Sắc-giới là cõi trời Tứ-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu hơn nữa, nên dứt hẳn các niềm hỉ lạc của ba cõi dưới, sống trong cảnh giới thanh tịnh, tĩnh lặng, bình đẳng, sáng suốt; cho nên gọi là "Xả-niệm-thanh-tịnh địa”.

6. Không vô biên xứ địa: Tiến lên Vô-sắc giới, cõi trời đầu tiên là Không-vô-biên-xứ. Chúng sinh ở cõi này vừa thoát khỏi cái khung vật chất của Sắc giới để an trú trong thiền định không hình tướng, đầy tính tự tại của cảnh giới hư không vô biên; cho nên ở đây được gọi là"Không-vô-biên-xứ địa”.

7. Thức vô biên xứ địa: Tiếp đến là cõi trời Thức-vô-biên-xứ, là cảnh giới thiền định thứ hai của cõiVô-sắc, chúng sinh được an trú trong cảnh giới mà thức hoàn toàn trải rộng trong không gian và thời gian vô hạn; cho nên gọi là "Thức-vô-biên-xứ địa”.

8. Vô sở hữu xứ địa: Ở trên cõi trời Thức-vô-biên-xứ là cõi trời Vô-sở-hữu-xứ, cảnh giới thiền định thứ ba của cõi Vô-sắc. Chúng sinh ở cõi này dứt bỏ được tính giao động của hai cõi trước, an trú trong cảnh giới mà tư tưởng hoàn toàn vắng lặng, không còn đến một niệm sở hữu; cho nên cảnh giới đó được gọi là "Vô-sở-hữu-xứ địa”.

9. Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa: Trên cùng của Vô-sắc giới là cõi trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ; nơi đó, chúng sinh an trú trong cảnh giới thiền định cao tột của ba cõi, không còn niệm phân biệt có tư tưởng hay không có tư tưởng, không thiên có, không thiên không, hoàn toàn bình đẳng, an tịnh, cho nên gọi là "Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ địa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét